Marta Bobo |
Hãy gõ tên mình vào Internet, có thể bạn sẽ bất ngờ phát hiện rằng mình có thể có nhiều thứ cần phải dọn dẹp!
Năm 1984, Marta Bobo là một vận động viên thể dục dụng cụ đầy hứa hẹn của Tây Ban Nha, sắp tham dự Olympic đầu tiên của cô ở Los Angeles, Mỹ. Bobo muốn được nhớ tới bởi những danh hiệu quốc gia và quốc tế cũng như vẻ ngoài duyên dáng mà cô thể hiện trên các thảm thể dục, nhưng khi gõ tên Marta Bobo vào trang tìm kiếm Google, đập vào mắt bạn sẽ là một dòng tít của báo Tây Ban Nha El Pais từ năm 1984: “Marta Bobo bị mắc chứng chán ăn”.
“Tôi chưa bao giờ mắc chứng chán ăn, và bác sĩ chưa bao giờ chẩn đoán tôi như thế. Đây là chuyện do những nhân vật ở Liên đoàn Thể dục dụng cụ Tây Ban Nha thời đó dựng lên vì không muốn tôi tham dự Olympic để có chỗ cho người của họ - Bobo, giờ đã là một giảng viên đại học thể thao uy tín, nói - Tôi thậm chí đã phải đi gặp bác sĩ để được chứng nhận hoàn toàn khỏe mạnh và tham dự Olympic”.
Bobo, lúc đó 18 tuổi, không bận tâm tới việc yêu cầu tờ báo phải sửa chữa bài báo sai lạc về cô, bởi thời đó còn chưa có Internet. Nhưng rồi khi El Pais số hóa toàn bộ bài báo dữ liệu của họ thì cái tít của gần 30 năm trước giờ đang trở lại như một nỗi ám ảnh với giảng viên Bobo.
“Một tờ báo địa phương đã đào xới câu chuyện đó mà không kiểm chứng, họ còn đăng cả một phóng sự về việc bằng cách nào một người mắc chứng chán ăn giờ lại là giảng viên giáo dục thể chất” - Bobo than thở khi biết rằng các sinh viên thường xuyên gõ tên mình trên Google và lo ngại về những ảnh hưởng với các con gái của cô, mới 8 và 5 tuổi.
Trong một trường hợp khác nghiêm trọng hơn, Gervase Webb không hề hay biết một hồ sơ giả mạo mô tả ông là kẻ chuyển giới theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã được lan tràn trên các trang mạng xã hội. Là cựu phóng viên của tờ báo Anh Evening Standard, Webb cho rằng ông đã bị mạo danh trên mạng do những chỉ trích của ông với Đảng Dân tộc Anh trên báo.
Ông kể: “Tôi chỉ phát hiện các hồ sơ giả khi có người nói sao tôi không thử gõ tên mình vào Google xem sao… Họ dùng những bức ảnh được đăng ở những chỗ khác và sửa chữa nó bằng photoshop, miêu tả tôi như một kẻ chuyển giới cực đoan... Rất khó để gỡ bỏ những hồ sơ trên mạng xã hội. Trang Flickr phản ứng khá tích cực, nhưng tôi đã yêu cầu các trang khác nhiều lần mà không thành công, một số xóa được, một số vẫn cứ như thế”.
Với sự phát triển nhanh chóng của Internet ở Việt Nam, “Quyền được quên” cũng sẽ sớm trở thành một vấn đề thời sự. Một ví dụ là nếu bạn gõ lên Google phiên bản Việt Nam dòng chữ “Hoàng Thùy Linh”, thì gợi ý của trang tìm kiếm sẽ là “Hoàng Thùy Linh và bạn trai” và các kết quả tìm kiếm sẽ bao gồm “Vàng Anh 16 phút”...
Cho tới giờ thì đây sẽ không phải là vấn đề, nhưng nếu trong vài năm nữa khi cô ca sĩ trẻ sinh năm 1988 có gia đình và con cái, Internet sẽ là cạm bẫy rất lớn với đời sống cá nhân của cô.
Điều tương tự cũng đúng với những người không phải là người nổi tiếng. Hãy gõ tên mình vào Internet, có thể bạn sẽ bất ngờ phát hiện rằng mình có thể có nhiều thứ cần phải dọn dẹp!
9 bước để tự “biến mất” trên internet
1. Nếu bạn có tài khoản Facebook, chuyển mọi chế độ cài đặt trong mục cài đặt riêng tư sang “riêng tư” hoặc “không chia sẻ” hoặc “tắt”.
2. Tìm những tấm ảnh bạn bị tagged trên Facebook, chọn “bỏ tag” và “tôi muốn bỏ tag chính tôi”.
3. Nếu bạn có tài khoản Google Blogger, xóa hồ sơ cá nhân ở đó.
4. Nếu bạn có tài khoản Tumblr hay Wordpress, xóa luôn. Giờ hãy dùng một trang tìm kiếm tìm tên của bạn (đặt tên đầy đủ trong dấu ngoặc kép để bớt các kết quả không liên quan). Tuy nhiên, một số tờ báo có thể không đồng ý xóa tên bạn nếu bạn đã xuất hiện trong bản tin của họ.
5. Nếu có tham gia diễn đàn, quay lại xem bạn có thể xóa các mục đăng tải không. Nếu không, hãy nhờ người phụ trách diễn đàn làm điều đó.
6. Gỡ tất cả các bức ảnh bạn đã đăng trên những trang như Flickr và Facebook. Tìm tên bạn trên mục tìm ảnh của Google (Google Images) và ghé các trang có ảnh nhờ họ gỡ ra.
7. Tiếp tục tìm tên bạn xem có những gì và liên lạc với chủ các trang web. Hãy sẵn sàng nghe từ chối, do hiện giờ hầu hết chưa có luật lệ gì cả.
8. Nhớ rằng những gì bạn đã đăng trên mạng vẫn có thể còn trên Internet archive (hồ sơ internet: archive.org), một trang lưu trữ thông tin khổng lồ.
9. Nhớ rằng quá khứ của bạn vẫn có thể bị đào xới bởi một kẻ tìm kiếm nhiều quyết tâm khi bạn được những người khác nhắc tới trên mạng, chứ không chỉ những gì bạn tự mình đăng tải.
(Theo Guardian)
HẢI MINH
0 nhận xét:
Đăng nhận xét