Tiêm ngừa văcxin viêm gan B có an toàn không và an toàn đến mức nào cho trẻ? Những xôn xao gần đây có thể gây hoang mang cho phụ huynh. Chúng ta thử bình tĩnh suy xét lại vấn đề mang tính hết sức căn bản này.
Nghĩa thứ nhất của từ an toàn là không gây hại. Bất kỳ hậu quả không mong muốn nào của một văcxin một khi xảy ra đều được xem là không an toàn. Do vậy không có văcxin nào an toàn 100%. Hầu hết văcxin đều gây đau, nóng đỏ chỗ chích. Một số văcxin gây phản ứng nặng nề hơn, như văcxin ho gà có thể làm bé quấy khóc, sốt cao hoặc co giật do sốt làm cha mẹ lo lắng.
Nghĩa thứ hai của an toàn là tránh được những nguy hiểm có thực. Không an toàn khi xác suất gặp nguy hiểm (mắc bệnh) lớn hơn khả năng bảo vệ (là văcxin). Nói cách khác, văcxin an toàn là văcxin đem đến lợi ích phòng bệnh lớn hơn nguy cơ mắc bệnh.
Tính an toàn của văcxin viêm gan B (VGB)
Văcxin viêm gan B (VGB) rất ít tác dụng phụ, tỏ ra an toàn khi dùng cho bé sơ sinh, trẻ nhỏ, thanh thiếu niên và người lớn. Tính từ năm 1982 là thời điểm văcxin ra đời, đã có 2 tỉ liều hepatitis B được sử dụng trên toàn thế giới.
Tiêm ngừa gây đau nơi tiêm nhưng phản ứng nặng rất hiếm. Phản ứng phản vệ là tác dụng bất lợi nặng nề nhất, nhưng tỉ lệ xảy ra chỉ 1/600.000 liều văcxin. Triệu chứng của phản vệ là phù đỏ da, khó thở và tụt huyết áp. Rất ít báo cáo ca chết vì chích văcxin VGB nhưng triệu chứng phản vệ do văcxin đều đáng sợ.
Ở Mỹ hiện có khoảng 1 triệu người nhiễm virút VGB, mỗi năm có 5.000 ca chết ngay sau nhiễm virút VGB, 10.000 người bị xơ gan hay ung thư gan do VGB. Ở Việt Nam, tỉ lệ nhiễm virút VGB khá cao, cứ 100 người dân thì có 15-20 người nhiễm virút VGB và một nửa là trẻ em dưới 15 tuổi.
Những hậu quả nặng nề chết người như xơ gan, ung thư gan càng dễ xảy ra nếu trẻ bị nhiễm từ thơ ấu - niên thiếu. Đặc biệt trẻ sơ sinh nếu tiếp xúc virút lúc sinh rất nhạy với nhiễm trùng mãn tính (lên đến 30-40% các trường hợp) và chết do bệnh gan khi trưởng thành. Chính vì kết cục xấu như vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) đều khuyến cáo tiêm ngừa văcxin VGB cho trẻ sơ sinh.
Trước khi có văcxin HBV, mỗi năm Mỹ có 18.000 trẻ dưới 10 tuổi bị nhiễm virút VGB từ người khác không phải là mẹ. Viêm gan siêu vi B có thể lây qua đường tình dục, đường máu. Nếu mẹ nhiễm virút VGB thì tiêm phòng sớm cho bé là điều hợp lý, nhưng nếu mẹ không bệnh thì sao bé bị nhiễm để cần phải tiêm?
Lây nhiễm từ những nguy cơ khác xuất phát từ sự vô ý như dùng chung khăn tắm, bàn chải đánh răng, dao cạo... là phổ biến. 1ml máu từ người bị nhiễm có thể chứa cả tỉ mầm bệnh, do vậy chúng ta hoàn toàn có thể bị nhiễm chỉ với một lượng máu rất nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Lúc văcxin mới ra đời, chỉ những người có nguy cơ nhiễm mới được tiêm. Nhưng thực tế mỗi ba người bệnh viêm gan cấp có một người không nằm trong nhóm nguy cơ (mà vẫn bệnh). Nhiều nỗ lực dự phòng tiếp xúc vẫn không ngăn được lây truyền bệnh, như thử máu mẹ trước sinh, giảm khả năng tiếp xúc với mầm bệnh từ những người khác trong gia đình. Lý do là hầu hết những người mang trùng mãn tính đều không có triệu chứng nên không biết mình bệnh và đường lây lan do tiếp xúc gần gũi rất phổ biến.
Như vậy nhiều ca nhiễm mãn tính sẽ không ngăn được lây lan nếu chỉ sàng lọc có chọn lọc và chỉ chủng ngừa cho những trẻ sinh ra từ mẹ có HBsAg (+). Nỗ lực dự phòng ở nước ta gặp nhiều thách thức hơn do Việt Nam là nước có tỉ lệ nhiễm virút VGB cao và không phải tất cả thai phụ trên toàn quốc đều được chăm sóc tiền sản.
Liều chủng ngừa bắt đầu ngay sau sinh sớm bảo vệ bé trước nguy cơ nhiễm sau giai đoạn chu sinh và giảm được số ca mang trùng mãn tính trong cộng đồng một cách đáng kể khi đứa bé trưởng thành. Từ khi khuyến cáo chích ngừa VGB phổ rộng, báo cáo dịch tễ ở Mỹ ghi nhận đã loại khỏi nhiễm virút VGB ở trẻ dưới 21 tuổi, và chắc chắn hạ thấp tỉ lệ ung thư gan khi chúng trưởng thành. Vì lợi ích của văcxin VGB rõ ràng và chắc chắn vượt xa nguy cơ nên nó được xem là an toàn.
Lịch chủng ngừa văcxin
Lịch tiêm chủng được xây dựng chặt chẽ bởi nhiều cơ quan chuyên môn và luôn được cập nhật mỗi khi có văcxin mới ra đời hoặc văcxin cũ được cải tiến. Tại Mỹ, nếu một văcxin được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) cấp phép, khi đó Ủy ban cố vấn về thực hành tiêm chủng (ACIP), Ủy ban bệnh truyền nhiễm của Hiệp hội Nhi khoa Mỹ (AAP) và Viện hàn lâm Thầy thuốc gia đình Mỹ (AAFP) cùng ngồi lại xem xét đánh giá mức an toàn và hiệu quả cho trẻ.
Nếu thuận thì văcxin mới được khuyến cáo sử dụng. Các chuyên gia còn xem xét chi phí so với lợi ích khi tiêm chủng cho một bộ phận hoặc tất cả công chúng. Họ tính cả chi phí y tế lẫn không y tế mà cha mẹ phải bỏ ra để chăm sóc một đứa trẻ mắc bệnh do không tiêm chủng. Họ xem xét tính khả thi khi yêu cầu chích cho mọi trẻ và chính quyền có đủ khả năng chi trả miễn phí cho tất cả trẻ. Tiêm ngừa VGB được chích lúc mới sinh, 1 tháng và 6 tháng tuổi.
Ở nước ta trong chương trình tiêm chủng mở rộng, mũi thứ nhất tiêm lúc sau sinh, trẻ sẽ được tiêm văcxin phối hợp DPT-VGB-Hib mũi một khi 2 tháng tuổi, mũi hai khi 3 tháng và mũi ba khi 4 tháng để phòng năm bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, VGB và viêm phổi viêm màng não mủ do Hib.
Văcxin VGB tạo ra miễn dịch suốt đời sau ba liều. Tất cả trẻ sơ sinh có tình trạng ổn định và cân nặng từ 2kg trở lên đều được tiêm ngừa VGB 12 giờ sau sinh.
Theo CDC, trì hoãn mũi chích đầu sau sinh này đến tận sau xuất viện hay trong tháng đầu phải được quyết định tùy từng trường hợp một và là những tình huống ít gặp, phải được bác sĩ thăm khám chỉ định và báo cáo rõ ràng, và mẹ phải không nhiễm trong lúc mang thai (âm tính với HBsAg).
Chống chỉ định tiêm liều kế tiếp cho trẻ khi có phản ứng dị ứng nặng với liều tiêm trước đó và không tiêm văcxin cho bất cứ ai bị dị ứng ảnh hưởng đến tính mạng (gồm dị ứng với nấm men làm bánh hay với văcxin) hoặc mắc bệnh lý về miễn dịch.
Giám sát chương trình tiêm chủng
Trong khi triển khai tiêm ngừa, nhiều nước tiên tiến thực hiện chương trình nghiên cứu và đánh giá hiệu quả của văcxin. CDC Hoa Kỳ có bộ phận chuyên trách theo dõi các trường hợp nhận văcxin và báo cáo thường xuyên. Họ theo dõi:
(1) Bao nhiêu ca bệnh sau khi được chủng ngừa và xem xét mối liên hệ giữa hai sự việc;
(2) Hệ thống báo cáo tác dụng không mong muốn của văcxin: nếu có, cơ sở y tế phải tường trình và tiếp tục theo dõi xu hướng diễn tiến;
(3) Mạng kết nối dữ liệu an toàn của văcxin theo dõi những người nhận và không nhận văcxin, là công cụ hiệu quả nhất nhằm giám sát tính an toàn sau khi đưa vào sử dụng. Chương trình quốc gia về tiêm chủng mở rộng ở nước ta cũng có hệ thống báo cáo tương tự, nhưng những đánh giá mức độ hoàn thành có lẽ cần có tiêu chí chặt chẽ và cụ thể hơn.
Những hiểm nguy từ virút hay vi trùng không đợi tuổi. Những bệnh được khuyến cáo tiêm chủng thường xảy đến cho trẻ nhỏ. Cách duy nhất để ngăn chặn chúng là cho văcxin ngay sau sinh. Những trẻ được cho văcxin trong ít tháng đầu đời hoàn toàn tạo được đáp ứng miễn dịch bảo vệ. Tử cung mẹ và nước ối đều vô trùng. Chỉ vài phút sau sinh trẻ phải chiến đấu hằng ngày với vi khuẩn.
Trước 7 ngày tuổi, da, mũi, họng, ruột được phủ hàng chục ngàn vi khuẩn. Trẻ bắt đầu có đáp ứng miễn dịch chủ động với các tác nhân gây bệnh ngay sau sinh. Số văcxin mà trẻ phải chủng trong hai năm đầu đời chỉ là giọt nước giữa đại dương nếu so với hàng chục ngàn thách thức trong môi trường mà trẻ phải đối phó hằng ngày.
BS LÊ TUYẾT HOA
0 nhận xét:
Đăng nhận xét