Nếu được đặc cách vào một trường đại học đúng sở thích liệu bạn có từ chối? Không rõ lựa chọn của mọi người thế nào nhưng tôi biết một chàng trai đã từ chối cơ hội hấp dẫn ấy. Đó là Nguyễn Văn Linh (20 tuổi, trú thôn An Bình, xã Cam Thanh, H.Cam Lộ, Quảng Trị), một chàng trai mù lòa.
Linh có thể sử dụng thành thạo máy tính nhờ phần mềm dành cho người mù - Ảnh: Hà Sòng |
Tuổi thơ nghiệt ngã
Linh khi sinh ra đã thiệt thòi, đến tiếng khóc cũng chẳng tròn trịa. Các bác sĩ bảo Linh bị hở vòm họng. Không có tiền, gia đình nhìn cứ thế nhìn Linh lớn lên. Được cái, từ bé Linh đã thể hiện mình làm một cậu bé ham học và học giỏi.
Năm Linh học lớp 8 thì tai họa khác ập đến. Ngay trong đêm giao thừa, Linh bỗng hét lên với mẹ: “Mẹ ơi, răng mắt con mờ mờ ri mẹ hè?”. Hai mẹ con cùng nhau dụi mắt vì cứ tin rằng đó là do khói bếp. Nhưng không, các bác sĩ đã chuẩn đoán Linh bị viêm gai thị võng mạc sau đó. Thương con, gia đình đã đưa Linh vào Huế ra Hà Nội chạy chữa nhưng mắt Linh cứ lòa dần, đến đâu người ta cũng nói trước sau gì Linh cũng sẽ mù hẳn.
Dạo đó, nghe ở Quảng Bình người ta đồn có ông thầy lang châm cứu rất hay, “còn nước còn tát” cha Linh chở Linh ra xứ này để mong tìm một cơ may cho con. Nhưng hỡi ôi, khi vừa đến nơi thì hung tin từ quê nhà cũng kịp đến: em trai của Linh bị đuối nước. Hai cha con tội nghiệp ấy quay trở vào khi thi thể của em bé 12 tuổi đã lạnh ngắt. Đến tận bây giờ, người ta vẫn còn nhớ đến hình ảnh người anh mù lòa khóc thét, đưa tay quờ quạng tìm tay em... Đau xót trước sự ra đi của em, buồn cho cảnh nhà tang tóc, sức khỏe Linh yếu dần và mắt em mù hẳn từ dạo đó. “Đó là quãng thời gian gia đình gặp quá nhiều biến cố, bất hạnh nối bất hạnh. Ngay đến bản thân tôi cũng nhiều lúc tưởng rằng mình sẽ không vượt qua”, chị Nguyễn Thị Hà, mẹ của Linh xúc động nhớ lại.
Cũng trong năm này, sự học của Linh bị ngắt quãng. Cho đến một năm sau, khi đã dần lấy lại sự bình tâm, được sự động viên của gia đình, Linh đi học chữ nổi tại Hội người mù H.Cam Lộ. Thấy cậu bé sáng dạ, có nhiều biểu hiện xuất săc nên Linh được chuyển về sinh hoạt tại Hội người mù tỉnh Quảng Trị. Em học tiếp 9 và những năm tiếp theo tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Đông Hà. Cả lớp 12D của Linh chỉ mỗi em là khiếm thị nhưng kết quả học tập rất đáng nể. Riêng năm học 2012 - 2013, Linh đạt học sinh giỏi.
Chọn “trường đời”
Còn nhớ, khi các bạn cùng trang lứa làm hồ sơ thi ĐH năm 2013, Linh cũng từng ao ước vào ngành công tác xã hội của Trường ĐH Khoa học Huế. Nhiều thầy cô bạn bè đều gợi ý cho Linh làm hồ sơ để được đặc cách vào đại học theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Ai cũng biết với hồ sơ về học lực và đạo đức sáng ngời, Linh đã chắc một suất để làm một tân sinh viên. Anh Lợi, bố Linh kể lại rằng khi chở con đi chụp ảnh, ký giấy tờ làm hồ sơ, anh đã tràn đầy hy vọng. Thế nhưng sau đó, Linh bảo anh Lợi quay về, không nộp nữa. “Con suy nghĩ kỹ lắm rồi, con sẽ đi làm sau khi tốt nghiệp, con không đi đại học”, cháu nó nói dõng dạc với tôi như vậy đấy”, anh Lợi kể.
Lúc ấy, cả nhà không ai hiểu và khuyên giải nỗi Linh nhưng 2 tháng sau, khi quay trở về thăm nhà sau 2 tháng “ra đời”, dúi vào tay mẹ 1,5 triệu đồng thì ngọn nguồn của quyết định ngày ấy mới sáng rõ phần nào: “Cha mẹ em vất vả nhiều rồi, anh trai em cũng chỉ vừa tốt nghiệp cao đẳng chưa có việc. Giờ với mảnh ruộng quê mà cha mẹ phải nuôi em tiếp 4 năm đại học thì e là quá sức. Em đã lớn và muốn gánh vác việc gia đình cùng cha mẹ”, chàng trai khuyết tật dõng dạc nói.
Chuyện rằng, hè năm 2011, Linh vào Huế học lớp nhân viên xoa bóp dành cho người mù tại Trường CĐ Y tế Huế. Với bản tính chăm chỉ, ham học hỏi Linh đã được cấp chứng chỉ nghề nhân viên xoa bóp loại khá. Với Linh, tấm bằng này đã mang đến cho em sự tự tin để quyết định chọn “trường đời” thay vì trường đại học.
Linh cho biết, hiện nay em đang làm cho một cơ sở xoa bóp bấm huyệt của người mù trên đường Trần Cao Vân (TP.Đà Nẵng). Tôi hỏi đi xa để “kiếm cơm” vậy có khó khăn, tủi cực gì lắm không thì Linh lắc đầu nói: “Chỉ sơ sơ thôi thôi, giờ em cũng quen dần rồi. Không có gì là quá khó cả”.
Câu chuyện “cu Linh” chọn “trường đời” mấy tháng nay được bà con truyền tai nhau từ làng trên xóm dưới như một “chuyện lạ”. Nhưng giờ, mọi người đã bắt đầu hiểu, đó là một sự lựa chọn đầy tử tế!
Nguyễn Phúc - Hà Sòn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét